Cứ khoảng tháng 2-3, bạn sẽ thường xuyên nghe thấy từ “Kafunsho – dị ứng phấn hoa” tại Nhật Bản. Trước kia vào mùa đông có rất nhiều người đeo khẩu trang để phòng tránh “cúm” còn bây giờ khi mùa xuân đến, gần như cả thành phố đeo khẩu trang vì “dị ứng phấn hoa”. “Dị ứng phấn hoa” là bệnh gì mà khiến cho người Nhật cũng như người nước ngoài đến Nhật khổ sở như thế?
Dị ứng phấn hoa
Đây là bệnh với triệu chứng dị ứng như hắt hơi, chảy nước mũi đột ngột xảy ra do mắt và mũi tiếp xúc với phấn hoa của cây Sugi, cây Hinoki… (họ hàng nhà thông). Nó còn được gọi là viêm mũi dị ứng theo mùa vì bệnh chỉ xảy ra khi đến mùa phấn hoa bắt đầu bay trong không khí. Ở Nhật người ta trồng rất nhiều cây Sugi và Hinoki, với mỗi loại phấn hoa mà lại có tên bệnh khác nhau như: bệnh dị ứng phấn hoa Sugi, bệnh dị ứng phấn hoa Hinoki…
Triệu chứng của dị ứng phấn hoa
・Hắt hơi: xảy ra liên tục không ngừng
・Chảy nước mũi: nước mũi chảy ra trong suốt
・Ngạt mũi: có lúc không thể thở bằng cả 2 bên mũi
・Ngứa mắt: mắt rất ngứa và có lúc chảy nước mắt
Người nước ngoài có bị dị ứng phấn hoa không?
Dị ứng phấn xảy ra khi lượng chất gây dị ứng trong cơ thể vượt quá giới hạn cho phép. Trong trường hợp người mẫn cảm với một loại phấn hoa cụ thể thì không riêng gì người Nhật mà người nước ngoài cũng đều bị dị ứng.
Nếu bạn chỉ đi du lịch ngắn ngày thì có lẽ sẽ không sao nhưng nếu bạn ở lại Nhật dài ngày thì rất có thể sẽ bị dị ứng phấn hoa. Cũng có người Nhật không bị dị ứng phấn hoa và cũng có những người bị dị ứng từ khi còn nhỏ.
Khi bị dị ứng phấn hoa nên làm gì?
Nếu thấy có triệu chứng của dị ứng phấn hoa, đầu tiên hãy đến bệnh viện.
・Chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi -> Khoa Tai Mũi (耳鼻科)
・Có thêm triệu chứng đau họng ngoài triệu chứng bên trên -> Khoa Tai Mũi Họng (耳鼻咽喉科)
・Ngứa, đau mắt, khó chịu về mắt -> Khoa Mắt (眼科)
・Ngứa da, khô da -> Khoa Da liễu (皮膚科)
・Có thêm các triệu chứng khác -> Khoa Dị ứng (アレルギー科)
Nếu bạn đã quen khám ở bệnh viện nào hãy tới đó và nói chuyện trực tiếp với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình.
Phòng chống dị ứng phấn hoa khi đi ra ngoài
- Kiểm tra thông tin về phấn hoa
Mùa xuân trên tivi hay internet, các kênh thông tin khí tượng hoặc dự báo thời tiết đều có đưa ra thông tin về phấn hoa. Những ngày cần đặc biệt chú ý:
– Trời nắng hoặc có mây, âm u
– Ngày có nhiệt độ cao – Ngày có độ ẩm thấp – Gió Nam thổi mạnh, sau đó chuyển hướng sang gió Bắc – Ngày mà hôm trước có mưa |
Cần đặc biệt chú ý những ngày mà hôm trước hoặc sáng sớm hôm đó có mưa, sau đó thời tiết đột ngột chuyển sang nắng ráo, có gió Nam thổi tới, nhiệt độ cao.
- Hạn chế đi ra ngoài vào những ngày có nhiều phấn hoa
Thông thường thời gian phấn hoa bay nhiều nhất trong ngày là từ 1 ~ 3 giờ chiều (tuỳ từng nơi cụ thể sẽ khác nhau).
- Trang bị đầy đủ khi ra ngoài
Mang theo mũ, kính, khẩu trang, khăn quàng. Lựa chọn áo khoác hoặc trang phục trơn, không dễ bị bám phấn hoa.
- Để đồ ở hành lang hoặc bên ngoài phòng chính khi vào nhà
Nếu trang phục hoặc thú cưng bị bám phấn hoa hãy để tất cả ở ngoài (hành lang hoặc chỗ riêng). Cố gắng không đem vào trong phòng ngủ hoặc phòng khách.
- Rửa mặt và súc miệng khi về nhà
Đây là cách để làm sạch phấn hoa bám trên cơ thể bạn. Hãy luyện tập như một thói quen hàng ngày.
Phòng chống dị ứng phấn hoa ở trong nhà
- Đóng cửa, cửa sổ
Khi phấn hoa phát tán quá nhiều, hãy đóng cửa và cửa sổ thật chặt để ngăn ngừa sự xâm nhập của phấn hoa vào trong nhà.
- Dọn dẹp thường xuyên
Ngay cả khi bạn đã đóng hết các cửa vẫn sẽ có một số lượng phấn hoa lọt vào trong nhà, do đó hãy dọn dẹp nhà thường xuyên.
Phòng chống phấn hoa khi đi ngủ
- Không phơi chăn đệm, khăn ngoài trời
Nếu bạn phơi chăn đệm, khăn hay quần áo ngoài trời, rất có khả năng chúng sẽ bị dính phấn hoa, do đó hãy sử dụng máy sấy quần áo hoặc làm khô đồ ngay trong phòng. Nếu không có các biện pháp làm khô đồ như trên, hãy phơi đồ vào buổi sáng vào ngày và nơi có lượng phấn hoa phát tán ít nhất. Sau đó sử dụng máy hút bụi để hút phấn hoa bám trên chăn đệm.
- Lau sạch phấn hoa trên chăn đệm
Trên sàn nhà hoặc trên giường chắc chắn sẽ có phấn hoa dính vào. Trước khi đi ngủ hãy dùng khăn ướt hoặc khăn mặt ẩm lau vùng xung quanh giường khoảng 1m.
- Tắm rửa để làm trôi phấn hoa
Sẽ có rất nhiều người có thói quen tắm vào lúc sáng sớm nhưng trong mùa phấn hoa này hãy thay đổi một chút bằng cách tắm rửa sạch sẽ trước khi đi ngủ.
- Sử dụng máy lọc không khí
Máy lọc không khí sẽ giúp loại bỏ bớt phấn hoa trong khi bạn ngủ. Ngoài ra nó còn giúp ngăn ngừa cảm lạnh thông thường hoặc khô da.
Dị ứng phấn hoa là 1 bệnh đem lại khá nhiều phiền toái cho người Nhật và gần đây là cho cả người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật. Nếu bạn nghĩ mình đã bị dị ứng phấn hoa, hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra bởi đây là bệnh cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ.