NHẬT BẢN MÙA HOA BỈ NGẠN

NHẬT BẢN MÙA HOA BỈ NGẠN

NHẬT BẢN MÙA HOA BỈ NGẠN                                                                 Hoa bỉ ngạn – loài hoa tuyệt đẹp của mùa thu Nhật Bản

Ngàn năm hoa nở, ngàn năm hoa tàn
Hoa vừa nở, lá đã vội tan
Lá vừa chớm mọc, hoa lại rụng
Có lá không hoa
Thấy hoa không lá
Chung một rễ mà chẳng thể gặp
Ở rất gần mà cũng rất xa
Cứ nhớ thương mà ôm sầu thương nhớ
Vạn kiếp luân hồi, vạn kiếp bi

Những ngày đầu thu, hoa bỉ ngạn nhuộm đỏ những cánh đồng ở Nhật.

Bỉ ngạn có tên khoa học là Lycoris Radiata. Hoa có 3 màu chính là màu đỏ, vàng, trắng nhưng phổ biến nhất là màu đỏ.. Bỉ Ngạn màu trắng gọi là Mạn Đà La Hoa, Bỉ Ngạn màu đỏ gọi là Mạn Châu Sa Hoa. Bỉ ngạn là loài thân thảo có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng rất được yêu thích ở Nhật Bản. Với đặc tính hoa, lá không bao giờ mọc cùng lúc, bỉ ngạn gắn liền với câu chuyện buồn về tình yêu, đồng thời là biểu tượng cho sự chia ly.

Ý nghĩa hoa bỉ ngạn 

Truyền thuyết kể rằng bỉ ngạn là loài hoa duy nhất mọc dưới đường xuống hoàng tuyền, khi linh hồn trước khi đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong xuyên, sẽ gửi toàn bộ ký ức của mình cho hoa bỉ ngạn. Dù là đau khổ tột cùng hay yêu thương thắm thiết bỉ ngạn đều thu nhận những hồi ức đó.

Chính vì vậy mà hoa bỉ ngạn có ý nghĩa là hồi ức đau thương, phân ly, khổ đau và là vẻ đẹp của cái chết.

Loài hoa tượng trưng cho sự chia cách

Bỉ ngạn nở vào mùa thu, khi Nhật Bản bước vào kỳ nghỉ lễ Ohigan, ngày lễ bắt đầu vào tiết Thu Phân 23/9. Tên gọi trong tiếng Nhật của hoa này là Higanbana, trong đó “Higan” được dịch là “bờ bên kia” – vùng đất của người chết. Do đó Ohigan là ngày để viếng mộ và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất.

Người Nhật vẫn lưu truyền một truyền thuyết buồn về loài hoa bỉ ngạn. Đó là cây chuyện xưa kia, hai yêu tinh là Manju và Saka (tên phiên âm tiếng Nhật) được giao nhiệm vụ trông giữ một loài hoa. Manju phụ trách cánh hoa còn Saka bảo vệ phần lá. Theo quy định họ không bao giờ được gặp nhau.Tuy nhiên, tò mò về đối phương nên hai yêu tinh đã phá vỡ luật trời để lén gặp gỡ và yêu nhau. Nữ thần mặt trời Amaterasu đã trừng phạt chúng bằng cách định đoạt Manju và Saka không được gặp lại nhau trong muôn kiếp. Vì vậy, hoa bỉ ngạn nở không có lá, khi lá tươi tốt thì những bông hoa cũng úa tàn. Hoa bỉ ngạn tượng trưng cho sự chia ly

Hoa bỉ ngạn trong đời sống Nhật Bản

Trước kia, người Nhật hay trồng hoa bỉ ngạn ở những cánh đồng. Cây bỉ ngạn có chiều cao 40 – 100 cm. Các thân cây mọc sát nhau, mỗi cây nở ra 5 – 7 nụ hoa. Củ của hoa bỉ ngạn có độc tố đối với chuột và côn trùng, nên được trồng xung quanh cánh đồng để bảo vệ lúa.

Ngoài ra, người Nhật cũng trồng loài hoa này ở các nghĩa trang, nhằm bảo vệ ngôi mộ khỏi sự quấy phá của động vật gặm nhấm.

Giờ đây, người Nhật trồng hoa bỉ ngạn ở nhiều nơi. Nơi nào trồng hoa cũng sẽ trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch vì vẻ đẹp rực rỡ lay động lòng người của nó. Cũng vì lẽ đó, nhiều lễ hội hoa bỉ ngạn được tổ chức để người dân Nhật Bản có dịp ngắm hoa khi thu đến.Trong đó, nổi bật nhất là lễ hội hoa bỉ ngạn tại công viên Kinchakuda, thành phố Hidaka, tỉnh Saitama vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Đây là công viên tổ chức lễ hội hoa Higanbana (hoa bỉ ngạn) lớn nhất tại Nhật Bản. Hàng triệu bông hoa bỉ ngạn nở rộ dưới nắng thu, tạo nên một khung cảnh vô cùng đẹp mắt.

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *